|
Chiếc máy bay không người lái siêu thanh WaveRider được phóng đi dưới cánh máy bay ném bom B-52. Ảnh: FoxNews |
Chiếc X-51A WaveRider đã bay trong hơn ba phút, sử dụng năng lượng của một động cơ phản lực tĩnh siêu âm, và đạt tốc độ Mach 5,1 (tức gấp 5 lần vận tốc âm thanh), AP dẫn lời không quân Mỹ hôm qua cho biết.
Bài thử hôm 1/5 đánh dấu chuyến bay thứ 4 và cũng là cuối cùng của chiếc X-51A thuộc không quân Mỹ. Cơ quan này đã chi 300 triệu USD để nghiên cứu công nghệ phản lực tĩnh siêu âm, với hy vọng nó có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công trên địa cầu chỉ trong vài phút.
Ba chuyến bay trước đều thất bại hoặc không đạt được tốc độ mong muốn. Mặc dù chiếc máy bay được thiết kế để đạt vận tốc Mach 6, tức gấp 6 lần vận tốc âm thanh, giới chức của chương trình đã thỏa mãn với kết quả đạt được trong bài thử mới nhất.
"Đó là một sứ mệnh thành công hoàn toàn", quản lý chương trình Charlie Brink, thuộc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân tại căn cứ không quân Wright-Patterson cho biết.
Chiếc máy bay WaveRider hình dáng giống tên lửa được phóng đi từ máy bay ném bom B-52 ở độ cao khoảng hơn 15.000 m trên Thái Bình Dương và ban đầu được một tên lửa hỗ trợ tăng tốc trước khi động cơ phản lực tĩnh siêu âm hoạt động.
Nó đạt vận tốc Mach 4,8 trong chưa đầy nửa phút nhờ tên lửa tăng tốc dùng nhiên liệu rắn. Sau khi tách khỏi tên lửa, động cơ phản lực tĩnh siêu âm được kích hoạt, tiếp lực giúp chiếc máy bay đạt vận tốc Mach 5,1 ở độ cao 18.000 m, trước khi lao xuống biển theo kế hoạch.
WaveRider đã bay hơn 370 km trong chỉ 6 phút, trở thành chuyến bay siêu âm dài nhất đối với loại máy bay này. Các kỹ sư đã thu thập dữ liệu trước khi máy bay rơi xuống nước.
Darryl Davis, chủ tích Boeing Phantom Works, đơn vị lắp ráp WaveRider, đã gọi bài thử là "một thành tựu lịch sử sau nhiều năm chế tạo". "Bài thử chứng minh rằng công nghệ này đã đủ độ chín để mở cánh cửa đối với những ứng dụng thực tiễn", Davis nói.
Trong khi không quân Mỹ không có kế hoạch tức thời đối với một máy bay kế nhiệm X-51A, họ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về việc bay siêu thanh.
Trọng Giáp - http://vnexpress.net/